Lễ hội Chợ Gò - Nét Văn hóa đặc sắc mùa Xuân Tuy Phước
Mỗi năm vào mùng 1 và mùng 2 Tết Nguyên Đán, người dân huyện Tuy Phước lại nô nức đổ về khu phố Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước để tham gia Lễ hội Chợ Gò - một sự kiện văn hóa đặc sắc mang đậm bản sắc vùng đất võ Bình Định nói chung và huyện Tuy Phước nói riêng. Đây không chỉ là dịp mua bán đầu xuân mà còn là cơ hội để mọi người cầu may, hái lộc và cầu chúc cho một năm mới an khang, thịnh vượng.
Theo truyền thuyết, Lễ hội Chợ Gò có nguồn gốc từ thời Nhà Tây Sơn, khi Chợ Gò từng là một tiền đồn bảo vệ Cảng Thị Nại và Thành Hoàng Đế. Vào mỗi dịp Tết, Hoàng đế Quang Trung cho phép mở hội vui xuân tại đây để binh sĩ và Nhân dân cùng quây quần, giảm bớt nỗi nhớ nhà, hòa vào không khí vui vẻ sau những năm tháng chiến tranh khổ cực. Từ đó, lễ hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân Tuy Phước.

Đồng chí Lê Thị Vinh Hương, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tuy Phước đánh trống khai hội chợ Gò.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện thực hiện nghi thức thả bóng bay tại lễ khai hội Chợ Gò
Khác với những khu chợ thông thường, Chợ Gò không diễn ra liên tục mà chỉ tổ chức vào những ngày đầu năm, trở thành một sự kiện mang tính biểu tượng. Ngay từ sáng sớm, dòng người từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đã đổ về, tạo nên không khí sôi động và rực rỡ sắc xuân. Lễ hội Chợ Gò không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa mà còn là nơi mọi người cùng nhau chia sẻ ước nguyện về một năm mới đầy đủ, hạnh phúc.
Chợ Gò còn đặc biệt bởi cách mua bán. Người mua, người bán ở đây đều với tâm nguyện chúc phúc, cầu may mắn, và không thách giá. Chính vì thế, không khí tại đây luôn ấm áp, thân thiện, và là cơ hội để mọi người cùng nhau trao gửi những lời chúc an lành, thịnh vượng. Bà Nguyễn Thị Tổng, 76 tuổi, chia sẻ: "Dù tuổi cao, nhưng tôi vẫn luôn đến chợ từ rất sớm để bày bán trầu cau, với hy vọng lan tỏa những điều an lành đến mọi người."Theo phong tục truyền thống, người dân khi tham gia lễ hội thường chọn mua trầu cau và muối, những vật phẩm mang ý nghĩa đặc biệt trong tín ngưỡng dân gian. Bà Ngô Thị Ngọc Oanh đến từ Nhơn Bình cho biết: "Mua trầu cau về dâng lên bàn thờ gia tiên như một lời cầu chúc cho gia đình bình an, công việc thuận lợi, và cuộc sống đầy đủ." Đây cũng là những món đồ đầu tiên mà người dân chọn mua trong ngày đầu năm, thể hiện ước vọng về sự may mắn và hạnh phúc trong suốt năm.
Điều đặc biệt trong phiên chợ này là các sản phẩm bán tại đây không chỉ là hàng hóa thông thường mà còn mang những ý nghĩa sâu sắc. Các mặt hàng như trầu cau, muối, vôi, đu đủ, rau muống, hay thủy hải sản như tôm, cá đều mang hàm ý ước vọng về sự thịnh vượng, đủ đầy cho một năm mới. Các sản phẩm này không chỉ bắt mắt mà còn tươi sáng, thể hiện tinh thần của ngày xuân.
Bên cạnh các hoạt động mua bán, Lễ hội Chợ Gò còn là không gian văn hóa với nhiều hoạt động dân gian đặc sắc. Du khách có thể thưởng thức các trò chơi dân gian như kéo co, đập ấm, nhảy bao, hoặc bắt chạch trong chum. Các tiết mục nghệ thuật như múa lân, trống hội, hát bài chòi, và biểu diễn võ cổ truyền cũng thu hút đông đảo người tham gia, tạo nên không khí vui tươi, náo nhiệt của ngày xuân.
Lễ hội Chợ Gò không chỉ là một sự kiện văn hóa đặc biệt của người dân Bình Định mà còn thu hút ngày càng nhiều du khách. Nhiều người con xa quê cũng về tham gia để hòa mình vào không khí lễ hội, cùng nhau chia sẻ niềm vui và hy vọng về một năm mới nhiều thắng lợi. Dù ảnh hưởng của nhịp sống hiện đại, Lễ hội Chợ Gò vẫn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, không thể thay thế.Ông Nguyễn Ba Sinh, một cụ ông lớn tuổi, chia sẻ: "Chợ Gò không chỉ là nơi mua bán mà còn là dịp để mọi người gặp gỡ, giao lưu, cùng nhau vui xuân và cầu mong những điều tốt đẹp trong năm mới."
Lễ hội Chợ Gò không chỉ là nơi để người dân gặp gỡ, thăm hỏi nhau sau một năm làm việc vất vả mà còn là dịp để quảng bá hình ảnh văn hóa đặc sắc của Bình Định. Ông Nguyễn Hùng Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, chia sẻ: "Lễ hội Chợ Gò không chỉ chứa đựng giá trị lịch sử mà còn mang đậm giá trị tinh thần đối với người dân trong mỗi dịp Tết đến xuân về. Huyện Tuy Phước đang nỗ lực đầu tư để phát triển lễ hội, khôi phục các hoạt động dân gian và nâng cao quy mô tổ chức để phục vụ tốt hơn cho người dân và du khách."Với những giá trị văn hóa độc đáo và ý nghĩa tinh thần sâu sắc, Lễ hội Chợ Gò đã trở thành một điểm đến hấp dẫn, góp phần không nhỏ vào việc quảng bá hình ảnh Bình Định đến với du khách trong và ngoài nước./.
Tác giả bài viết: Nguyệt Ánh - Trung tâm VH-TT-TT huyện
Nguồn: Trang Thông tin điện tử UBND huyện Tuy Phước
Ngày đăng: 28/02/2025 - 13:21